Vụ 222 người bị ngộ độc do ăn bánh mì tại Long Khánh: Nguyên nhân từ đâu?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tính đến trưa 2-5, bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai đã tiếp nhận 222 trường hợp nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì.
Vụ 222 người bị ngộ độc do ăn bánh mì tại Long Khánh: Nguyên nhân từ đâu?
Các bệnh nhi được chuyển từ bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh lên bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để tiếp tục điều trị. Ảnh: Bích Nhàn

Liên quan đến vụ nhiều người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì trên địa bàn phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh, UBND thành phố Long Khánh đã có báo cáo với các thông tin cơ bản về sự việc này.

* Nhiều trường hợp bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn nặng

Theo đó, từ 5 giờ ngày 1-5, người dân ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình) vào ngày 30-4 có các dấu hiệu: tiêu chảy, nôn ói... Sau đó, nhiều người đã nhập viện tại bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai.

Tổng số nhập viện khám và điều trị tại các bệnh viện đến sáng 2-5 là 222 trường hợp, trong đó, tại bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh là 209 trường hợp, tại bệnh viện Đa khoa cao Su Đồng Nai là 13 trường hợp.

Đối với các bệnh nhi bị nặng, sau đó đã được chuyển lên tuyến trên.

Trưa 2-5, thông tin từ Khoa cấp cứu, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bệnh viện đang tiếp nhận 6 bệnh nhi bị nhiễm trùng đường ruột nặng do ngộ độc sau khi ăn bánh mì. Đáng chú ý, trường hợp bé T.Đ.N.A. (7 tuổi) vào viện trong tình trạng suy hô hấp, sốc nặng.

Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu, hồi sức, đặt nội khí quản, bù dịch chống sốc, truyền kháng sinh... cho bệnh nhi. Tuy nhiên, bé vẫn còn nguy kịch, phải thở máy, truyền thuốc vận mạch liều cao và bù dịch liên tục.

Trước đó, Báo Đồng Nai đã thông tin, tối 1-5, bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã tiếp nhận và đang điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng.

Qua điều tra ban đầu, tất cả bệnh nhân đều ăn bánh mì thịt tại cơ sở bánh mì Băng. Sau khi ăn, các bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện như trên. Nhiều người tự mua thuốc uống tại nhà nhưng không khỏi nên nhập viện chữa trị vào sáng 1-5.

Bác sĩ bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh khám cho người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở Băng. Ảnh: Bích Nhàn

* Mỗi ngày tiệm bán hơn 1 ngàn ổ bánh mì?

Thông tin từ thành phố Long Khánh, tiệm bánh mì Băng mỗi ngày kinh doanh trên 1 ngàn ổ bánh mì. Tiệm phục vụ 2 buổi/ngày, buổi sáng vào lúc 6-10 giờ và buổi chiều từ 14-18 giờ. Nguyên liệu được sơ chế và chế biến ngay tại tiệm.

Trong khi đó, theo báo cáo của bà N.T.K.B. - chủ cơ sở thì ngày 30-4, tiệm bánh mì phục vụ 1,1 ngàn ổ bánh (buổi sáng 500 ổ và chiều là 600 ổ).

Theo báo cáo, tiệm bánh mì Băng là diện bán hàng nhỏ lẻ không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tiệm có 4 nhân viên phục vụ bán bánh mì (trong đó 3 trực tiếp, 1 gián tiếp) không có khám sức khỏe định kỳ.

Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu tự mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến.

Ngay sau sự việc xảy ra, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã thực hiện niêm phong tủ cấp đông tại cơ sở, trong đó có khoảng 15kg đồ chua đã qua chế biến, 1kg chả lụa, 1kg thịt heo đã qua chế biến, 4 khay pate trọng lượng khoảng 10kg.

Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố buộc cơ sở ngưng hoạt động từ 11 giờ ngày 1-5.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật